Ngày 10/1/2022, tại Hà Nội, Cục Điều tiết Điện lực đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ 2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực cho thấy, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công Thương, tập thể công chức, viên chức và người lao động của Cục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được các kết quả quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực và thị trường điện, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Cục đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành tổng kết thi hành Luật Điện lực và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực để trình trình báo cáo Chính phủ xem xét; phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tổng kết, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP trình Chính phủ. Hoàn 02 đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đã trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành 01 Thông tư.

Để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực cũng đã thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quy định về cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng và đơn vị phát triển Năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, đơn vị đang triển khai xây dựng ba quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khung giá của mức giá bán lẻ điện và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư quy định về khung giá và phương pháp xác định giá, đàm phán giá các dự án điện điện gió, điện mặt trời.

Năm 2021, Cục Điều tiết điện lực tiếp tục thực hiện tốt quy định công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh điện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 22 tháng 4 năm 2014 về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.

Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục đã tham mưu cho Bộ Công Thương đề xuất và được Chính phủ chấp thuận việc giảm giá điện,tiền điện 3 đợt trong năm 2021 với số tiền gần 4.500 tỷ đồng.

Năm 2021, Cục tiếp tục duy trì tốt công tác thị trường điện với hai nhiệm vụ là vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đối với thị trường bán buôn, đã có 104 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 28118 (MW) chiếm khoảng 41,26% tổng công suất toàn hệ thống và 06 đơn vị mua buôn điện (EVN và 5 Tổng công ty thuộc EVN). Qua đó giúp mở rộng quy mô thị trường và tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện.

Việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tình chủ động của các đơn vị tham gia thị trường trong công tác vận hành, đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền trong ngành điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đang được Cục Điều tiết điện lực triển khai thực hiện theo đúng Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt Quyết định số 2093/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 07 tháng 8 năm 2020. Hiện tại, Cục đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chinh phủ cơ chế cho phép các nhà máy điện năng lượng tái tạo được phép thí điểm bán điện trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện cuối cùng (cơ chế DPPA). Cơ chế DPPA khi triển khai sẽ là bước đầu tiên trong lộ trình triển khai thị trường bán lẻ điện. Cơ chế này cũng sẽ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo ở nước ta trong thời gian tới.

Trong công tác cung cấp điện, Cục Điều tiết điện lực đã thẩm định, trình phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2021; Theo dõi thường xuyên phụ tải, đề xuất các giải pháp chỉ đạo kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn cung ứng điện cho nền kinh tế…Bên cạnh đó, Cục cũng làm tốt công tác giám sát, thẩm định, phát triển lưới điện thông minh, hợp tác quốc tế…; Tiếp tục duy trì tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, Cục Điều tiết điện lực tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, điều hành giá điện. Trong đó sẽ hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quyết định thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022.

Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để Bộ Công Thương chỉ đạo, điều hành đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt trong năm 2022; tham gia phối hợp điều tiết, vận hành các nhà máy thủy điện đáp ứng nhu cầu nước của hạ du. Hoàn thiện các quy định nhằm hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại những thành qủa của nền kinh tế cũng như của ngành Công Thương. Đóng góp vào thành tích chung của ngành Công Thương có vai trò của Cục Điều tiết điện lực trong việc điều hành thị trường điện, đảm bảo công tác cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong các thời khắc cam go, ở nhiều địa phương có dịch bùng phát nặng nề như Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ… Bộ trưởng ghi nhận, Cục Điều tiết điện lực đã làm khá tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động về điện lực nói chung, trong đó có tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định. Chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương đề xuất trình Chính phủ ba đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, tính chủ động tích cực của Cục Điều tiết điện lực trong việc đề xuất với Bộ và các cấp có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách vẫn chưa thật tốt, vẫn còn những bất cập.

Theo đó, trong năm 2022, Bộ trưởng đưa ra một số nhiệm vụ yêu cầu Cục Điều tiết phải thực hiện, đó là: Trước hết, cần quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho Bộ và Chính phủ có chỉ đạo điều hành đảm để bảo đủ điện cho nền kinh tế – xã hội trong bối cảnh cả nước đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để sửa đổi toàn diện Luật Điện lực. Thứ ba, trong hoạt động điện lực vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo trong cơ chế, chính sách. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn nhìn nhận, Cục Điều tiết điện lực cần nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Chia sẻ với những khó khăn mà đơn vị gặp phải, song Bộ trưởng mong rằng, với tinh thần cầu thị, trong năm tới và những năm tiếp theo, Cục Điều tiết điện lực sẽ hoàn thành và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nguồn: moit.gov.vn

Theo Nguồn: moit.gov.vn