Theo Grand New Research, quy mô thị trường chiếu sáng cao cấp toàn cầu sẽ đạt 24.32 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 6.1%.

Nhu cầu chiếu sáng cao cấp ngày càng tăng ở các nước phát triển do cơ sở hạ tầng tốt hơn và thu nhập khả dụng cao hơn dự kiến sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp chiếu sáng. Châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 8.5% từ năm 2017 đến năm 2025.

Cụ thể hơn, đèn chiếu sáng cao cấp trên thị trường toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng vào năm 2025 sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của công nghệ chế tạo đèn LED. Chất lượng vượt trội của đèn LED, hiệu quả ánh sáng, tuổi thọ, độ bền cơ học, tiết kiệm và bảo vệ môi trường là xu hướng chiếu sáng rất được ưa chuộng hiện nay.

Theo dự báo của Research and Markets, thị trường đèn LED Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt giá trị 1,056 triệu USD vào năm 2026. Một trong những lý do cho sự phát triển chóng mặt của thị trường thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam là nhờ quá trình tăng trưởng  kinh tế, tốc độ đô thị hóa cũng như số lượng công trình xây dựng ngày một gia tăng.

Nắm bắt được xu thế đó, nhiều công ty quốc tế lẫn nội địa Việt Nam đã có những định hướng phát triển sản phẩm mới, nhằm đáp ứng nhu cầu chiếu sáng ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Hiện có khoảng hơn 200 doanh nghiệp đăng ký với thương hiệu sản phẩm đèn LED trên thị trường Việt Nam và được chia làm 4 nhóm:
 

  • + Nhóm 1: là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thiết bị chiếu sáng có truyền thống, quy mô điển hình (Rạng Đông, Điện Quang, Duhal,..).
  •  
  • + Nhóm 2: là những doanh nghiệp với quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Sản phẩm được sản xuất theo hình thức ODM, OEM – các DN Việt đặt ra các yêu cầu về sản phẩm, sau đó đặt các nhà sản xuất ODM, OEM thiết kế, chế tạo và DN Việt đặt hàng sẽ dán thương hiệu của mình lên dòng sản phẩm đó.
  •  
  • + Nhóm 3: gồm các DN không thực hiện đầu tư, mà chỉ đặt hàng theo mẫu mã sản phẩm trên thị trường với giá rẻ về bán cho khách hàng..
  •  
  • + Nhóm 4: gồm các thương hiệu chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu thành phẩm về phân phối tại thị trường Việt Nam, theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các hãng đèn LED thế giới, với mức giá thành tương đối cao.

Có thể thấy, hầu hết những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nằm ở Nhóm 1. Nguyên nhân là do các công ty này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng (3-5% doanh thu) để đầu tư công nghệ – kỹ thuật về sản xuất thiết bị chiếu sáng. Hiện tại mỗi doanh nghiệp nhóm này đã đầu tư từ 5 đến 6 dây chuyền công nghệ hiện đại của Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, EU,.. Nhìn chung, do chất lượng sản phẩm Nhóm 1 tương đối tốt và ổn định hơn so với Nhóm 2, 3 (do không kiểm soát được công nghệ vì phải phụ thuộc nước ngoài), trong khi giá thành rẻ hơn so với Nhóm 4, nên nhóm chiếm khoảng 60% thị phần trong nước.

Thương hiệu nổi bật trong ngành thiết bị chiếu sáng được nhắc đến đầu tiên chắc hẳn là Rạng Đông, doanh nghiệp thành lập năm 1985 và không còn xa lạ gì với người dân khi thương hiệu này có mặt khắp 64 tỉnh thành trên toàn quốc. Năng lực sản xuất của Công ty đạt trên 170 triệu nguồn sáng một năm và trên 15 triệu sản phẩm thiết bị chiếu sáng, bộ đèn các loại. Rạng Đông đầu tư nhà máy và công nghệ hiện đại, hợp tác với các doanh nghiệp chip LED lớn trên thế giới như Samsung, Nichia, Cree, Citizen… tầm nhìn đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực cung cấp hệ sinh thái đèn LED 4.0.

Hiện nay, tình hình hoạt động kinh doanh Rạng Đông vẫn khả quan dù năm 2019 công ty đã chịu thiệt hại nặng vì hỏa hoạn, gây thiệt hại 150 tỷ đồng cho công ty. Năm 2020, Rạng Đông đạt mức doanh thu thuần tăng trưởng 15.6% so với năm trước đạt 4,922 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 336 tỷ đồng, tăng 168.5% so với năm 2019.

Một thương hiệu có thâm niên khác trong ngành thiết bị chiếu sáng là Điện Quang, thành lập năm 1973. Trong khi Rạng Đông tập trung khai thác thị trường nội địa, đảm bảo với tăng trưởng dài hạn với các mảng truyền thống (thiết bị chiếu sáng, phích nước,..), thì Điện Quang ngoài việc cung cấp thiết bị chiếu sáng cho nhu cầu trong nước, sản phẩm của Điện Quang được xuất khẩu và có mặt trên khắp 30 quốc gia trên thế giới. Năm 2016, Điện Quang bắt đầu manh nha hướng đi mới – giải pháp chiếu sáng, đây cũng là con đường dài hạn của doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi số và cần thêm thời gian để thích nghi. Tình hình tài chính của doanh nghiệp này không mấy khả quan, kết quả kinh doanh liên tục sụt giảm từ năm 2016, doanh thu thuần đạt 940 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18.3 tỷ đồng trong năm 2020.

Mạnh Phương (MPE) cũng là đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực thiết bị chiếu sáng. Kết quả hoạt động kinh doanh MPE liên tục tăng trưởng. Năm 2020, doanh thu tăng mạnh 56.9% so với năm trước, đạt 1,928 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp khá thấp, trung bình chỉ hơn 7%/năm do đó lợi nhuận nhuận không đạt mức cao. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 3.8 tỷ đồng, tăng 34.9% so với năm 2019.

Ngoài ra, Duhal cũng là một trong những thương hiệu đèn LED uy tín tại Việt Nam, sản phẩm của Duhal đáp ứng được nhu cầu ở những phân khúc giá tầm trung. Hiện tại, Duhal có 2 nhà máy chính sản xuất các thiết bị chiếu sáng: Nhà máy sản xuất tại Tiền Giang và và Nhà máy CTCP Công nghệ cao và Thiết bị chiếu sáng Đức Hậu Long ở Long An. Hai nhà máy được trang bị các thiết bị hiện đại, khả năng tự động hóa cao theo công nghệ Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2020, doanh thu Duhal đạt 266 tỷ đồng, không đổi so với năm trước, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 17.9%, đạt 1.4 tỷ đồng.

Paragon (Minh Hưng Long) cũng đã bắt đầu sản xuất và cung cấp thiết bị chiếu sáng từ năm 1998. Sau nhiều năm hoạt động, thương hiệu đã có uy tín rộng khắp trong nước và một số nước trong khu vực như: Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka,.. Doanh thu Paragon có sự sụt giảm từ 321 tỷ năm 2018 xuống còn 256 tỷ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 659 triệu đồng, giảm gấp 3.6 lần so với năm 2018.

Bên cạnh các doanh nghiệp nội địa, Philips – một doanh nghiệp ngoại đáng gờm cũng có mặt trên thị trường này. Philips là một trong những thương hiệu chiếu sáng đáng được tin cậy nhất trên thế giới, ra đời vào năm 1891 tại Hà Lan. Philips du nhập và Việt Nam từ cuối năm 2012. Tập đoàn hiện đang là một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực chiếu sáng với khoảng 122,000 nhân viên trải rộng 60 quốc gia.

Bên cạnh đó, còn một số thương hiệu khác vẫn còn khá non trẻ so với các doanh nghiệp lâu đời trên như KingLed – ILIKE, đơn vị đi đầu trong vấn đề bảo hành tại nhà. Ambee – doanh nghiệp chuyên tư vấn thiết kế, thi công hệ thống chiếu sáng cho nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, công trình công cộng. Sản phẩm chủ yếu của Ambee là các dòng đèn LED có công suất lớn như đèn LED nhà xưởng, đèn pha, đèn đường,.. Fawookidi – một doanh nghiệp Việt cònkhá mới mẻ, những sản phẩm do Fawookidi sản xuất đã được nghiên cứu và sử dụng trong nhiều công trình, dự án lớn trên khắp toàn quốc.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng đô thị tăng, chất lượng đô thị ngày càng được cải thiện, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Việc chiếu sáng đô thị nói riêng và ứng dụng chiếu sáng trong các lĩnh vực  đời sống khác nói chung đang là nhu cầu không thể thiếu và ngày càng phải đáp ứng cho phù hợp đã tạo nên một thị trường tiềm năng cho ngành thiết bị điện chiếu sáng.


Nguồn: Vietdata

Theo Nguồn: Vietdata