Trong hơn ba thập kỷ qua đã bùng nổ rất nhiều những nghiên cứu và phát minh mới trong lĩnh vực năng lượng xanh, tạo ra hàng trăm công nghệ tiên tiến vô cùng hứa hẹn, có thể làm giảm sự phụ thuộc của con người vào các nguồn nhiên liệu không thể tái tạo như dầu mỏ, than đá.

Nhưng năng lượng xanh là gì và điều gì làm nó trở thành sự lựa chọn tối ưu hơn những nhiên liệu hóa thạch? Chúng tôi sẽ đưa ra khái niệm và tổng hợp về các loại năng lượng xanh phổ biến hiện nay để bạn hiểu rõ hơn về chúng.

Khái niệm về năng lượng xanh

Năng lượng xanh là năng lượng được tạo ra từ các nguồn tự nhiên như ánh sáng mặt trời, thủy triều, gió, mưa, thực vật, tảo và địa nhiệt. Các nguồn năng lượng này có thể tự tái tạo, chúng được bổ sung một cách tự nhiên.

Ngược lại, nhiên liệu hóa thạch là một nguồn nhiên liệu hữu hạn cần hàng triệu năm để phát triển và đương nhiên sẽ giảm khi sử dụng.

Các nguồn năng lượng xanh cũng có ít tác động đến môi trường hơn so với nhiên liệu không thể tái tạo. Vì nhiên liệu hóa thạch gây ra các khí thải làm ô nhiễm môi trường và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Năng lượng xanh thân thiên với môi trường

Tiếp cận với nhiên liệu không thể tái tạo thường phải khai thác hoặc khoan sâu vào lòng đất, đó là ở những nơi nhạy cảm về mặt sinh thái. Trong khi năng lượng xanh sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có ngoài tự nhiên, kể cả ở các vùng nông thôn và vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi hệ thống điện không thể tiếp cận được.

Sự tiến bộ trong công nghệ năng lượng xanh đã giúp giảm chi phí sản xuất tuabin gió, tấm pin mặt trời và các nguồn năng lượng xanh khác, đặt việc phát điện vào tay người dân chứ không phải phụ thuộc vào các công ty dầu khí, than và điện.

Năng lượng tái tạo có thể thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong tất cả các lĩnh vực bao gồm điện, nước, nhiên liệu cho xe có động cơ và sưởi ấm không gian.

Các loại năng lượng xanh phổ biến hiện nay

Nghiên cứu về các nguồn năng lượng xanh, không gây ô nhiễm đang phát triển rất nhanh, việc cập nhật thông tin về các loại năng lượng tái tạo đang được nghiên cứu và phát triển là việc rất cần thiết hiện nay. Dưới đây là sáu loại năng lượng tái tạo phổ biến nhất:

Năng lượng mặt trời

Là loại năng lượng xanh phổ biến nhất, năng lượng mặt trời thường được sản xuất bằng cách sử dụng các tế bào quang điện để thu nhận ánh sáng mặt trời và chuyển hóa nó thành điện năng.

Năng lượng mặt trời cũng được sử dụng để làm nóng nước, sưởi ấm các tòa nhà, nấu chín thức ăn và cung cấp ánh sáng tự nhiên. Công nghệ năng lượng mặt trời đã trở nên đủ rẻ để người dân sử dụng, từ cung cấp năng lượng cho thiết bị cầm tay nhỏ gọn đến toàn bộ khu vực lân cận.

Năng lượng tái tạo có nhiều ưu điểm so với năng lượng hóa thạch

Năng lượng gió

Dòng không khí chuyển động trên bề mặt Trái đất có thể được dùng để đẩy tua bin, những cơn gió càng mạnh sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn.

Các vị trí hay khu vực ở trên cao, ngoài biển, có xu hướng thu được nhiều gió và sức gió mạnh nhất.

Năng lượng nước

Còn được gọi là thủy năng, được tạo ra từ các chu trình nước của Trái đất, bao gồm bốc hơi, nước mưa, thủy triều và lực nước chảy qua đập. Thủy điện phụ thuộc vào lượng mưa để tạo ra một lượng năng lượng đáng kể.

Năng lượng địa nhiệt

Ngay bên dưới lớp vỏ trái đất có một nhiệt lượng lớn, có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của trái đất và sự phân rã của các chất phóng xạ.

Năng lượng địa nhiệt như các suối nước nóng đã được con người sử dụng từ hàng ngàn năm nay để tắm, và bây giờ nó còn được sử dụng để tạo ra điện.

Sinh khối

Các vật liệu tự nhiên hiện có như mùn cưa, chất thải gỗ và chất thải nông nghiệp dễ cháy có thể được biến đổi thành năng lượng với lượng phát thải khí thấp hơn nhiều so với nhiên liệu nguồn gốc từ dầu mỏ.

Đó là vì những nguyên liệu được gọi là sinh khối này chứa năng lượng được lưu trữ từ mặt trời.

Nhiên liệu sinh học

Thay vì đốt sinh khối để lấy năng lượng, đôi khi những nguyên liệu hữu cơ tái tạo này được chuyển đổi thành nhiên liệu. Một số ví dụ tiêu biểu cho điều này bao gồm ethanol và diesel sinh học.

Nhiên liệu sinh học này cung cấp 2,7% nguồn nhiên liệu của thế giới tính riêng cho giao thông đường bộ vào năm 2010 và có khả năng đáp ứng được hơn 25% nhu cầu nhiên liệu cho giao thông của thế giới vào năm 2050.

Theo vnptschool.vn