Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh và Thái Bình đề nghị bổ sung hơn 91.800 MW vào quy hoạch điện VIII, phần lớn là điện gió, điện gió ngoài khơi.

Đề nghị xem xét bổ sung nguồn điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (quy hoạch điện VIII) vừa được Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh và Thái Bình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung 22.200 MW điện gió ngoài khơi, gồm các dự án như dự án ngoài khơi Thăng Long Wind công suất đặt 3.400 MW; La Gàn 3.500 MW, Vĩnh Phong 1.000 MW, Tuy Phong 4.600 MW, Bình Thuận 5.000 MW…

Ở lĩnh vực điện khí, tỉnh này đề nghị bổ sung dự án điện khí LNG mũi Kê Gà 3.200 MW. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đề nghị đưa vào quy hoạch điện VIII 3 dự án điện gió trên bờ 142 MW và dự án thuỷ điện tích năng 600 MW.

Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Công Thương thẩm định tiếp các dự án trong số 62 dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện mặt trời quốc gia, công suất còn lại khoảng 2.600 MW.

Các nguồn điện tỉnh Ninh Thuận đề nghị đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 42.595 MW, trong đó gần 1.888 MW điện gió trên bờ; điện gió gần bờ là 4.380 MW; ngoài khơi 21.000 MW. Tỉnh này cũng đề nghị chuyển 4.600 MW điện hạt nhân trước đây sang điện khí LNG; còn lại là thuỷ điện tích năng (3.600 MW), điện mặt trời hơn 5.189 MW và thuỷ điện nhỏ 438 MW.

Tỉnh này cũng đề nghị Bộ Công Thương thẩm định phương án đấu nối các dự án trước đây đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch nhưng chưa có phê duyệt lưới điện.

Một dự án điện gió trên bờ tại Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại Thái Bình, tỉnh này đề xuất đưa 8.700 MW điện gió vào quy hoạch điện VIII. Các dự án này gồm dự án điện gió 5.000 MW do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất; dự án điện gió ngoài khơi do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất, công suất 3.000 MW và dự án điện gió 700 MW do Tập đoàn Pondera (Hà Lan) đề xuất.

Ngoài điện gió, địa phương này cũng đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch VIII dự án Trung tâm Điện – Khí LNG Thái Bình, công suất khoảng 4.500 MW và một dự án điện rác 20 MW.

Còn Quảng Ninh thì muốn được đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 5.000 MW điện gió, trong đó 3.000 MW là điện gió ngoài khơi; 2.000 MW điện gió trên bờ. Riêng từ nay đến năm 2030 tỉnh này đề xuất đưa 2.500 MW (điện gió trên bờ 2.000 MW và 500 MW điện gió ngoài khơi) vào quy hoạch.

Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ đầu tư nhà máy điện khí LNG 1.500 MW giai đoạn 2 vào vận hành 2026 – 2027, đồng bộ với dự án điện khí giai đoạn 1.

Với hai dự án nhiệt điện đã có trong quy hoạch VII điều chỉnh, tổng công suất 1.600 MW nhưng hiện chưa triển khai, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét chuyển sang điện khí.

Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại theo yêu cầu của Chính phủ theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam); kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất.

Với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26), Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, cập nhật tại bản quy hoạch này. Ngoài ra, các tiêu chí xác định dự án trọng điểm, dự án ưu tiên trong quy hoạch điện VIII cũng cần được làm rõ.

Theo dự thảo hồi tháng 10, quy hoạch điện VIII ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Bản dự thảo đưa ra kế hoạch dừng xem xét quy hoạch một số dự án nhiệt điện than được phê duyệt, nhưng không được địa phương ủng hộ hoặc không đủ điều kiện phát triển.

Ước tính, mỗi năm Việt Nam cần 10-11,5 tỷ USD cho đầu tư nguồn, lưới điện trong giai đoạn 2021 – 2030. Mười năm sau đó, số vốn cần cho đầu tư nguồn, lưới điện tăng lên 12-15,2 tỷ USD mỗi năm.

Theo vnexpress.net