Ba tháng đầu năm, nguồn điện gió, mặt trời được huy động tăng gần 181% so với cùng kỳ 2020 trong khi các nguồn truyền thống đều giảm.

Dữ liệu sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu 3 tháng đầu năm được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật trong báo cáo vừa công bố. Theo đó, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu trong quý đầu tiên năm nay là 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, điện do EVN và các tổng công ty phát điện sản xuất chiếm 49%, đạt 29,22 tỷ kWh. Còn lại là điện sản xuất từ các tập đoàn, doanh nghiệp khác ngoài EVN.

Thuỷ điện vẫn là nguồn truyền thống duy nhất được tăng huy động lên hệ thống điện quốc gia, với 13,86 tỷ kWh. Còn lại, các nguồn từ nhiệt điện than, khí đều giảm 12,4-21,4% so với cùng kỳ, tương đương đạt 29,75 tỷ kWh và 7,44 tỷ kWh. Điện nhập khẩu cũng giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái với 405 triệu kWh.

Ở chiều ngược lại, nguồn từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) được ưu tiên huy động, với dữ liệu tăng gần 181%, xấp xỉ 7,8 tỷ kWh trong 3 tháng đầu năm nay. Riêng sản lượng từ điện mặt trời đạt hơn 7,13 tỷ kWh.

Tăng nguồn điện cấp từ năng lượng tái tạo cũng khiến EVN gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt. Chẳng hạn, các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô. Ngoài ra, nguy cơ sự cố tổ máy tại các nhà máy điện than, khí cũng gia tăng cùng số lần khởi động hoặc thay đổi công suất…

Sản lượng huy động nguồn từ điện gió, điện mặt trời tăng cao trong quý I, song tới đây việc tiết giảm nguồn từ loại năng lượng sơ cấp này, theo ngành điện, là bắt buộc để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia.

Theo EVN, quý II thường là cao điểm mùa khô nên ngành điện ưu tiên các giải pháp vận hành an toàn, ổn định hệ thống và thị trường điện, nhất là trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo có tỷ trọng cao. Vì thế, việc tính toán hợp lý huy động điện từ mặt trời, gió để đáp ứng thay đổi của nhu cầu tiêu thụ điện, hay những bất thường của các nguồn điện năng lượng tái tạo với mức độ trồi, sụt lên tới hàng nghìn MW trong vài giây.

Bên cạnh đó, hiện tượng thừa nguồn điện vào giờ thấp điểm trưa, quá tải lưới điện tới đây vẫn tiếp tục, nên sẽ phải tiếp tục giảm huy động năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời). Vận hành hệ thống điện, nhất là trong những tình huống khẩn cấp như thừa nguồn, quá tải lưới yêu cầu chính xác, kỷ luật và tuân thủ quy định điều độ ở mức cao nhất với các đơn vị vận hành nguồn, lưới điện.

Dự báo sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày trong tháng 4 dự kiến ở mức 713,6 triệu kWh, công suất phụ tải tiêu thụ điện lớn nhất khoảng 38.285 MW.

Cảnh báo và dữ liệu dự kiến cắt giảm nguồn huy động từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cũng được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra cách đây vài ngày. Theo A0, sản lượng điện tiết giảm từ nguồn năng lượng tái tạo khoảng 180 triệu kWh một tháng trong giai đoạn tháng 7-9 tới, khi miền Bắc bước vào thời kỳ lũ chính vụ tại các hồ thuỷ điện. Sản lượng cắt giảm tăng gấp đôi, khoảng 350-400 triệu kWh một tháng vào các tháng cuối năm (tháng 10-12) do lũ miền Trung – Nam vào mùa và các nguồn điện gió vận hành đủ theo quy hoạch.

Cũng đề cập tới việc giảm huy động nguồn từ năng lượng tái tạo, trong báo cáo gửi các cơ quan Quốc hội cuối tháng trước, Bộ Công Thương khẳng định, việc tiết giảm này là tình huống bắt buộc khi hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ.

Hệ thống điện dư thừa công suất so với nhu cầu tiêu thụ điện là “tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn, an ninh hệ thống”. Điều này có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.

Anh Minh

Theo vnexpress.net