Lượng điện sản xuất từ năng lượng gió và Mặt trời đã chiếm mức kỷ lục 10% lượng điện toàn cầu trong nửa đầu năm 2020, trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện chỉ hoạt động chưa tới một nửa công suất.
Trung tâm nghiên cứu năng lượng Ember cho biết, mặc dù nhu cầu điện giảm gần mức kỷ lục do đại dịch Covid-19, nhưng năng lượng tái tạo vẫn chiếm 1.129 terawatt/giờ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2020, so với 992 terawatt/giờ trong 6 tháng đầu năm 2019.
Nhìn chung, tỷ lệ điện năng lấy từ gió và Mặt trời đã tăng hơn gấp đôi so với mức 4,6% vào năm 2015 – năm thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết. Mặt khác, sản lượng điện năng từ than đá – nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất – giảm 8,3% trong nửa đầu năm 2020. Điều này xảy ra bất chấp việc Trung Quốc đang tăng nhẹ thị phần trong các nhà máy điện than toàn cầu.
Dave Jones, nhà phân tích điện cao cấp tại Ember nói với AFP: “Tính từ năm 2015, đây là một mức tăng trưởng đáng kinh ngạc (về năng lượng Mặt trời và gió), nhưng ngay cả ở mức 10%, cũng không phải là mức thay đổi hoàn toàn”. Bên cạnh đó, chuyên gia Dave Jones nhấn mạnh rằng, 30% lượng khí thải từ năng lượng hóa thạch toàn cầu đến từ các nhà máy nhiệt điện. Vì thế, việc sản xuất nhiệt điện cần phải nhanh chóng được xóa sổ để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu.
Từ những phân tích của Ember cho thấy, nhiều nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ – hiện sản xuất ít nhất 10% lượng điện từ gió và Mặt trời. Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) tận dụng đáng kể năng lượng từ gió và Mặt trời khi lượng điện tái tạo lần lượt đạt 21% và 33%.
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, chủ yếu thông qua việc cắt giảm lượng khí thải. Thỏa thuận cũng vạch ra mục tiêu an toàn hơn là giới hạn mức độ nóng lên chỉ ở 1,5 độ C. Để đạt được điều này, Liên Hợp Quốc cho biết lượng khí thải phải giảm được 7,6% hàng năm trong thập kỷ này.
Chuyên gia Dave Jones cho biết trong khi sự sụt giảm đi 30% về năng lượng từ điện than trong năm nay có thể là do năng lượng gió và năng lượng Mặt trời tăng lên, phần còn lại có thể là do suy thoái kinh tế bởi Covid-19 gây ra. “Một phần lớn nguyên nhân sụt giảm việc sử dụng năng lượng từ than đá rõ ràng là do đại dịch chứ đây không phải là xu hướng dài hạn. Thực tế là tốc độ giảm này không đủ nhanh để đạt được mục tiêu mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C” – ông nói.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy, nếu không có sự chuyển đổi nhanh chóng, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, thì sự sụt giảm khí thải chưa từng do Covid-19 sẽ hầu như không có tác dụng để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu nói rằng, trong thập kỷ này, việc sử dụng than đá phải cần giảm 13% mỗi năm để duy trì mục tiêu 1,5 độ C. Theo Ember, để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thế giới cần lượng điện từ năng lượng gió và Mặt trời chiếm 15% tổng lượng điện năng mỗi năm.
Theo Giaoducthoidai.vn