Doanh nghiệp Na Uy tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Sự kiện này một lần nữa khẳng định sự sẵn sàng và quyết tâm của Na Uy đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết: “Năng lượng tái tạo và khí hậu là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Na Uy. Ưu tiên của Chính phủ Na Uy là hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp để đảm bảo sự chuyển dịch công bằng và thành công tới một tương lai tái tạo, tuần hoàn và bền vững. Vì thế, hôm nay tôi rất vui mừng và tự hào về sự hiện diện thương mại của Equinor tại Việt Nam”.
Equinor tổ chức lễ khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội
Ông Jens Olaf Okland, Phó Chủ tịch cấp cao của Equinor nhận định: Việt Nam là một trong những nền kinh tế và thị trường điện phát triển nhanh nhất thế giới. Với đường bờ biển dài và điều kiện gió thuận lợi, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất châu Á và đang có kế hoạch phát triển mạnh mẽ thị trường điện gió ngoài khơi. Chúng tôi tin Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng thú vị.
Với việc thành lập văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam, Equinor mong muốn áp dụng các kinh nghiệm và năng lực của mình để cùng với đối tác trong nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện các mục tiêu: phát triển ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam bằng việc thực hiện thành công các dự án điện gió ngoài khơi; nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước. Đồng thời, xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; sản xuất điện với chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, sẽ dần dần bảo bảo mức giá năng lượng tái tạo phải chăng cho tất cả mọi người; hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự chuyển đổi xanh cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu và môi trường.
Giới thiệu các công nghệ năng lượng xanh tại Vietnam ETE & Enertec Expo 2022
Triển lãm quốc tế lần thứ 15 về công nghệ và thiết bị điện – Vietnam ETE 2022 cùng hội chợ triển lãm quốc tế lần thứ 12 về công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh – Enertec Expo 2022 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22/7, tại TPHCM với nhiều giải pháp và thành tựu công nghệ tiên tiến trong ngành điện.
Triển lãm được sự ủng hộ của Bộ Công Thương, UBND TPHCM, do Sở Công Thương TPHCM chủ trì tổ chức nhằm giới thiệu các thành tựu công nghệ mới nhất của ngành điện, thiết bị điện; giới thiệu quảng bá sản phẩm và giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam.
Theo ban tổ chức, trong bối cảnh chính trị và kinh tế trên thế giới có nhiều biến động, xu thế chuyển dịch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ sau Hội nghị COP26 đã tác động tích cực tới khoa học công nghệ ngành điện và năng lượng. Tại Việt Nam, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cũng sắp được phê duyệt sẽ giảm tối đa điện than, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối… nhằm đảm bảo hiệu quả, an ninh năng lượng, phát triển theo hướng bền vững, xanh sạch, thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất hợp lý.
Ảnh minh họa
Năm 2022, ban tổ chức triển lãm Vietnam ETE & Enertec Expo 2022 tiếp tục phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất điện Hàn Quốc – Koema tổ chức triển lãm Điện và Năng lượng thông minh Hàn Quốc (KOSEF) với quy mô lớn. Đây sẽ là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư, trao đổi công nghệ, giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, triển lãm Vietnam ETE & Enertec Expo 2022 lần này sẽ có sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp đầu ngành trong nước và quốc tế trưng bày với quy mô hơn 500 gian hàng. Trong khuôn khổ triển lãm cũng diễn ra các hội thảo, hội nghị chuyên ngành được tổ chức bởi Sở Công Thương TPHCM, các cơ quan quản lý, chủ dự án và các chuyên gia, cùng với các hoạt động phối hợp “kết nối giao thương/Bussiness Match Making” nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu ngành công nghiệp thiết bị điện và năng lượng xanh tại Việt Nam.
Địa phương của Quảng Nam đề xuất nghiên cứu dự án điện gió công suất 500MW
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn số 2749/UBND-KTN ngày 4/5/2022 gửi các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện Tây Giang về việc tham mưu giải quyết đề nghị xin chủ trương thống nhất tiếp nhận dự án điện gió tại huyện Tây Giang
Công văn nêu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại công văn số 956-CV/TU ngày 26/4/2022 về việc giải quyết đề nghị của Ban Thường vụ huyện ủy Tây Giang về xin chủ trương thống nhất tiếp nhận dự án điện gió; UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương chủ trì cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tây Giang và các đơn vị liên quan rà soát, xem xét, đánh giá khả năng đầu tư dự án điện gió tại thôn Cha’nốc, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang; tổng hợp, tham mưu dự thảo văn bản của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định.
UBND huyện Tây Giang chịu trách nhiệm phối hợp cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu cho Sở Công Thương theo yêu cầu.
Huyện Tây Giang, Quảng Nam đề xuất nghiên cứu dự án điện gió công suất 500MW. (Ảnh minh họa)
Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang có tờ trình số 85-TTr/HU ngày 15/4/2022 gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam về việc xin chủ trương thống nhất tiếp nhận dự án điện gió tại huyện Tây Giang.
Theo tờ trình, huyện Tây Giang với địa bàn miền núi cao có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên rừng còn lớn, đặc biệt là nguồn năng lượng gió để đầu tư phát triển dự án điện gió. Qua khảo sát, nghiên cứu đánh giá bước đầu cho thấy trên địa bàn huyện Tây Giang có tiềm năng gió rất lớn, hướng gió chính là gió Tây xuất hiện thường xuyên với vận tốc 6,5m/s đến 7,8m/s do đó cần được đầu tư xây dựng, khai thác điện gió. Đây là dự án được Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư phát triển nhằm khai thác có hiệu quả năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đảm bảo môi trường.
Từ những kết quả đánh giá trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất chủ trương cho huyện Tây Giang tiếp nhận dự án điện gió, địa điểm tại thôn Cha’nốc (xã Ch’ơm) với quy mô công suất khoảng 500MW, tương đương đầu tư 100 tuabin gió, diện tích quy hoạch sử dụng đất trên 400 ha, không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.
Sau khi có ý kiến thống nhất chủ trương, huyện Tây Giang tiếp tục với các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các bước, thủ tục tiếp theo và lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, nhà thầu có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.