Sử dụng điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm chi phí tiền điện cho doanh nghiệp, hộ gia đình, góp phần giảm áp lực phụ tải lưới điện cho ngành điện; đồng thời, tạo ra nguồn năng lượng xanh, sạch và bảo vệ môi trường.

Nhiều hộ dân xã Phùng Hưng (Khoái Châu) lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Điện năng lượng mặt trời đang là một trong những nguồn năng lượng được nhiều địa phương khuyến khích và ưu tiên sử dụng rộng rãi. Ngoài ưu điểm là nguồn năng lượng có thể tái tạo và cũng là nguồn năng lượng vĩnh cửu không thể cạn kiệt, ĐNLMT còn giúp tiết kiệm được nhiều chi phí và góp phần bảo vệ môi trường… Do vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trong tỉnh đã đầu tư vốn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và đã phát huy hiệu quả kinh tế cũng như góp phần giảm tải cho ngành điện.

Công ty TNHH sản xuất thương mại Hòa Bình, đóng trên địa bàn xã Nguyễn Văn Linh (Yên Mỹ) sản xuất các loại thép, sản phẩm của công ty được cung cấp cho thị trường trong nước và một số nước châu Á. Đại điện công ty cho biết: Đặc thù của công ty chuyên sản xuất thép nên sản lượng điện tiêu thụ rất lớn. Với mục tiêu đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại 2 phân xưởng. Từ khi lắp đặt, 2 phân xưởng có thêm một lớp che chắn, chống nóng cho không gian bên trong nhà xưởng, tạo môi trường làm việc thoáng mát, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, giảm áp lực lên hệ thống điện lưới, nhất là vào những tháng cao điểm mùa hè. Việc lắp đặt này còn giúp doanh nghiệp chủ động nguồn điện để duy trì sản xuất, không phụ thuộc nhiều khi ngành điện cắt điện luân phiên thực hiện giảm tải điện. Việc sử dụng ĐNLMT còn làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hàng hóa khi áp dụng chứng chỉ xanh, một tiêu chuẩn sản xuất ngày càng được chú trọng bởi các khách hàng khó tính trên thế giới.

Lắp đặt điện mặt trời giúp nhiều hộ dân tiết kiệm tiền điện hằng tháng.

Ông Nguyễn Văn Hợp, xã Phùng Hưng (Khoái Châu) cho biết: Qua tìm hiểu về hiệu quả của ĐNLMT, tháng 4/2024, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 15KWp. Qua hơn 7 tháng đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả rõ rệt. Khi chưa lắp đặt hệ thống ĐNLMT, mỗi tháng gia đình tôi phải chi 2 triệu đồng tiền điện, nhưng từ khi lắp đặt ĐNLMT, vào các tháng mùa hè, gia đình tôi không sử dụng điện lưới.

Cùng với việc sử dụng điện mặt trời áp mái, hiện nay nhiều hộ gia đình có xu hướng sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện. Điều này đã góp phần vào tiết kiệm nguồn năng lượng cho quốc gia, vừa tiết kiệm chi phí cho các cơ quan, doanh nghiệp và hộ tiêu dùng. Từ đó, ngành điện thực hiện hiệu quả việc phân bổ nguồn điện để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng.

Nguồn ĐNLMT là nguồn năng lượng tái tạo, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng sử dụng than đá hay dầu mỏ và thân thiện với môi trường. Người dân khi sử dụng nguồn ĐNLMT sẽ không mất chi phí vận hành; bên cạnh đó, chi phí bảo trì thấp, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi. Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm ĐNLMT. Giá lắp đặt cho hệ thống khoảng 20 triệu đồng/1kWp. Với một hộ gia đình không sản xuất, kinh doanh, có thể chọn một hệ thống có công suất lắp đặt 3 – 5kWp. Với mỗi kWp công suất lắp đặt, có thể tạo ra được một lượng điện năng khoảng 4 – 5kWh mỗi ngày.

Việc đầu tư lắp đặt ĐNLMT giúp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả đối với kinh tế và xã hội. Do vậy, ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân lắp đặt ĐNLMT để sử dụng nhằm giảm áp lực cho nguồn điện quốc gia. Đối với những doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống ĐNLMT để phục vụ sản xuất, ngành điện cần hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục về thẩm định phòng cháy, chữa cháy đối với hệ thống ĐNLMT bảo đảm vận hành thông suốt và hiệu quả.